“Đây là một nhạc cụ thật sự tuyệt vời và rất thú vị”, Lê Quang, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đang ngồi cùng nhóm bạn chỉ vào “ghế” có cấu tạo đơn giản, với hình dạng chiếc hộp chữ nhật có tỷ lệ dài, rộng không quá 50×40 cm mà mình đang ngồi vừa gõ một cách ngẫu hứng, tạo nên những tiết tấu nhanh, mộc mạc với đầy đủ tiếng bass, treble, kicks… khá lạ tai. Bên cạnh đó, tại công viên 30.4, nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng ngồi trên trống cajon vỗ phanh phách phát ra đầy đủ những âm sắc khá lôi cuốn của cả thể loại rock, country, pop, flamenco, hiphop khiến ai cũng hào hứng, thích thú.
Trống cajon Đang là nguồn cảm hứng vô tận cho giới trẻ Việt Nam
Ân kể thêm, chỉ cần có đàn guitar và trống cajon là cứ ngỡ có cả một dàn nhạc đầy đủ, rất hợp trong những dịp dã ngoại, đi chơi xa, tụ tập cùng nhau vì gọn nhẹ dễ mang đi. Không những vậy, đây còn là nhạc cụ có chức năng quan trọng khi giữ nhịp cho guitar, khi kết hợp cùng đàn guitar, kèn harmonica… sẽ tạo thành những âm thanh cực hay.
Lý giải xu hướng chuộng mua và sử dụng trống cajon trong những “bữa tiệc âm nhạc” của giới trẻ, Lê Quang cho rằng có khá nhiều lý do. “Tùy loại, hình dáng mà mỗi trống cajon có giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Như vậy là thấp so với các nhạc cụ khác và “có thể chấp nhận được” với sinh viên tụi mình. Có khi 5, 7 đứa cùng hùn hạp lại mua về là tha hồ gõ, thích vô cùng”, Lê Quang kể.
Theo Hoài Ân, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc, thì cajon là một trong những loại nhạc cụ mang tính đại chúng, được làm bằng ván ép, có nhiều kiểu như: cajon vuông, xéo, cong, mang đến âm thanh mộc mạc, gần gũi. Thời gian gần đây, không khó để tìm thấy trống cajon khi được biểu diễn và xuất hiện ở khắp mọi nơi: từ những sân khấu ca nhạc lớn, phòng trà nhỏ, những quán cà phê trình diễn nhạc acoustic cho đến… những công viên, phòng trọ và được giới sinh viên ưa thích.